30/7/09

VÌ EM CÓ THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

.


Chúng tôi đến mái ấm Nhân Nghĩa Huynh Đệ (quận Bình Tân, SG) vào một ngày đẹp trời cuối tháng 4/2009 để thăm các em khiếm thị.

Trong tâm thức những người không “khiếm” gì cả về hình thức bên ngoài như chúng tôi, thì người bị khiếm khuyết gì đó một phần thân thể là một nỗi thiệt thòi, bất hạnh to lớn, mà thiệt thòi về đôi mắt là thiệt thòi to lớn nhất. Trong bảng xếp loại thương tật dành cho giám định y pháp thì mù cả hai mắt tỉ lệ là 90%. Tôi được biết các em ở mái ấm này còn nỗi thiệt thòi khác là thiếu tình thương của gia đình, phải sống nhờ tình thương của đồng bào. Có em được gia đình mang đến gửi vì hoàn cảnh “đơn chiếc khó khăn”, có em bị bỏ rơi ngoài cổng mái ấm từ thuở sơ sinh đỏ hỏn…. Không được nhìn thấy người thân yêu quanh mình, không thưởng thức được sắc màu của hoa của lá, không nhìn thấy sắc rực rỡ của cầu vồng, thậm chí ngay cả bộ quần áo đang mặc trên người màu gì, có hoa hay không hoa cũng chả biết. Hoàn cảnh người khiếm thị thật là thương tâm quá, cuộc sống chắc buồn bã lắm.

Đến nơi, gặp gỡ các em, tôi mới biết các em sống thật khác xa với những gì mình nghĩ.

Mái ấm nằm khuất trong một con đường nhỏ ở ngoài thành Sài Gòn, tránh xa mọi náo nhiệt, ồn ào đô thị. Sân trước mái ấm rộng rãi, mát rượi dưới bóng hàng cây sa-ri đang trổ hoa tim tím, điểm thêm hàng loạt trái chín đỏ chót bay mùi thơm thoang thoảng, dìu dịu trong bầu không khí trong lành. Dưới gốc cây, vài chục chiếc ghế nhựa nhỏ được bày sẳn. Khoảng hơn ba mươi em gái tuổi từ 6 đến 23 xếp hàng từ trong nhà trật tự đi ra dưới sự hướng dẫn của Quý Sơ, Quý Thầy phụ trách. Như đã hình thành thói quen từ lâu, các em định hướng rất nhanh, chọn ghế vào ngồi vào ghế rất nhanh mà không hề ngã. Các em cười đùa rất vui vẻ khi biết có chúng tôi tới thăm.

Dường như để bù vào thiệt thòi từ đôi mắt, các em đã được ban cho sự nhanh nhạy về giác quan khác hơn người sáng mắt, nên mỗi lần cùng tham gia trò chơi phát hiện người nào làm sai quy định trò chơi các em đều thắng cuộc, báo hại các bạn sáng mắt phải “làm bò” cho các em vỗ tay.

Điều chung nhất mà tôi nhận thấy ở các em là niềm vui, nụ cười luôn rạng rỡ trên môi, nói năng rất linh hoạt, thông minh. Những nụ cười đó không phải gượng gạo, xã giao khi có khách đến, mà nó được phát ra một cách rất sảng khoái, rất tự nhiên, vô tư. Còn trên những vầng trán nhỏ bé kia không hề ẩn chứa dù là một gợn mây u ám.

Các em cùng hát, đàn, thổi kèn cho chúng tôi nghe. Chúng tôi phát quà tận tay từng em. Các em rất thích, bảo chúng tôi: “Sao các anh chị cho chúng em nhiều quà bánh thế. Hôm nay ăn không hết, chúng em để dành hôm khác ăn tiếp”. Một em gái khoảng 7 tuổi, mặc bộ quần áo màu hồng cánh sen, gương mặt da ngăm bầu bĩnh lúc nào cũng cúi xuống ôm con búp bê vải trong lòng mân mê, vuốt ve. Khi em ngước lên, tôi mới biết không phải em luôn luôn nhìn xuống không màng đến những gì diễn ra quanh mình, mà vốn dĩ lúc mới sinh, hai mí mắt em không mở ra được. Bất ngờ hơn, em bé này là “cây kèn chính” trong đội hình kèn thiếu nhi ở đây. Từng âm thanh thánh thót bay bỗng từ cái kèn em cầm trong tay. Rồi em yêu cầu bế em đứng lên chiếc ghế nhựa để em hát vì em bé quá, thấp chun chủn bên dưới, trong khi chúng tôi kẻ đứng người ngồi vây quanh lố nhố thì quá cao nên “ca sĩ” không… với tới. Giọng hát em thánh thót, trong ngần. Ngạc nhiên hơn, lúc đọc kinh, em vừa sờ tay vào quyển Kinh Thánh chữ nổi vừa đọc rất rành rọt, rất nhanh, rất rõ chữ, đọc không sai một chữ nào.

Tôi cầm tay một em gái khoảng 16 tuổi ngồi cạnh tôi, hỏi: “Em ở đây có vui không?”. Em trả lời: “Dạ, vui lắm!”. “Làm sao mà vui?”. “Vì được học giáo lý. Học giáo lý vui lắm”. “Thế học có hiểu không?”. “Hiểu chút chút, em cũng hay quên, nhưng mà học hay và vui, em thích được học lắm”. “Em thấy hay chổ nào?”. “Cô kể chuyện Chúa Trời làm ra mọi vật và con người trong bảy ngày. Em biết trên Trời có Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu con người, yêu em, và mọi người đều yêu thương chúng em”. “Ngoài học giáo lý em còn học gì nữa không?”. “Em học đàn, học hát, học may vá, học tự mình chăm sóc cho mình và giúp đỡ các bạn khác”.

Tôi đã thu vào ống kính máy ảnh của mình rất nhiều ảnh chân dung các em gái ở đây, bức ảnh nào cũng rất đẹp, rất vui, rất hồn nhiên, nhưng tiếc là tôi không thể gởi kèm bài viết này được vì hôm sau máy tính của tôi đã bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh “mượn” nhưng không chịu trả, còn máy ảnh thì họ vào phòng riêng của tôi “lén lấy không xin phép”, dù trong đó toàn là hình chụp các em và cái máy ảnh ấy nó chẳng “phạm tội” gì.

Chúng tôi đã cùng chơi với các em đến hơn 11 giờ trưa mới từ giã ra về, mang theo trong lòng những nụ cười, nét môi rạng rỡ hồn nhiên và tình yêu Thiên chúa của các em.
Dù không nhìn thấy gì, nhưng trái tim các em lại sáng, chính tình yêu Thiên chúa đã soi sáng tâm hồn em, em sống hồn nhiên, thoải mái vì trong lòng các em có Thiên chúa, em biết rằng Thiên chúa dạy mọi người yêu thương nhau, mọi người yêu thương các em và các em cũng yêu mọi người, yêu thương Đức Chúa. Tôi có cảm giác các em hạnh phúc hơn chính tôi rất nhiều. Cầu mong các em luôn được sống bình an, vui vẻ, mãi mãi vô tư như thế.

Tạ Phong Tần

_____________

Bài này đã in trong Tập san lớp Giáo Lý Dự Tòng (Giáo xứ Mẹ Hằng Cứu Giúp) ngày 14/6/2009
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét