4/8/09

NHÂN PHẨM VÀ NHÂN QUYỀN THEO QUAN ĐIỂM GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

.

- Một xã hội công bằng chỉ trở thành hiện thực khi được xây dựng trên việc tôn trọng phẩm giá siêu việt của con người. Con người là mục tiêu tối hậu của xã hội, xã hội được tổ chức là nhắm tới con người: "Thế nên, trật tự xã hội và sự phát triển của xã hội phải luôn luôn nhắm tới lợi ích của con người, vì trật tự sự vật phải lệ thuộc vào trật tự con người, chứ không theo cách ngược lại";

- Không thể lấy con người làm phương tiện để thực hiện các dự án kinh tế, xã hội hay chính trị, những dự án do một chính quyền nào đó áp đặt, kể cả khi nhân danh một sự tiến bộ của một cộng đồng dân sự nói chung hay của những người khác, bất kể đó là sự tiến bộ trong hiện tại hay tương lai.

- Những thay đổi đích thực của xã hội chỉ bền vững và hữu hiệu bao lâu chúng đặt nền tảng trên những thay đổi kiên quyết trong cách sống của con người. Người ta sẽ không bao giờ có thể làm cho đời sống xã hội phù hợp với luân lý nếu không khởi sự từ con người và không lấy con người làm điểm tham khảo: thật vậy, "sống có luân lý là làm chứng cho phẩm giá của con người"

- Phong trào tiến tới chổ xác định và công bố các quyền của con người là một trong những cố gắng quan trọng nhất nhằm đáng ứng cách hữu hiệu những đòi hỏi tất yếu của phẩm giá con người. Giáo hội coi những quyền này là cơ hội hết sức đặc biệt mà thời đại hôm nay đem lại, để phẩm giá con người được nhìn nhận cách hiệu quả hơn và phát huy khắp nơi như một đặc điểm được Thiên Chúa Tạo Hóa khắc ghi nơi các thụ tạo. Huấn Quyền Giáo Hội không ngừng ghi nhận giá trị tích cực của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, được Liên Hiệp Quốc chấp nhận ngày 10/12/1948, và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II coi như "một cột mốc thật sự trên con đường tiến bộ đạo đức của nhân loại";

- Thật ra, nguồn gốc của các quyền con người nằm ngay trong chính phẩm giá của mỗi một con người. Phẩm giá này tồn tại bên trong đời sống con người và bằng nhau trong mỗi một người, đã được nhận thức và lĩnh hội trước tiên là nhờ lý trí. nền tảng tự nhiên của các quyền này càng trở nên vững chắc hơn khi, nhờ ánh sáng siêu nhiên, người ta nhìn nhận rằng phẩm giá của con người, sau khi được Chúa trao ban và bị thương tổn sâu xa bởi tội, đã được Đức Giêsu Kitô đón nhận và cứu chuộc qua sự nhập thể, qua cái chết và sự sống lại của Người.

- Nguồn gốc sau cùng của các quyền con người không phải ở trong ý muốn thuần túy của con người, trong thực thể quốc gia hay chính quyền, nhưng là ở trong chính con người và trong chính Thiên Chúa Tạo Hóa. Những quyền này mang những đặc tính phổ quát, bất khả xâm phạm, bất khả nhượng. Phổ quát, vì chúng hiện diện ở nơi hết mọi người, bất kể thời gian, địa điểm hay chủ thể. Bất khả xâm phạm, bao lâu "chúng tồn tại trong con người và trong phẩm giá con người" và vì "thật vô ích khi công bố các quyền mà đồng thời không làm gì để đảm bảo cho chúng được tôn trọng bởi mọi người, mọi nơi và vì mọi người". Bất khả nhượng, bao lâu "không ai có thể tước đoạt những quyền ấy khỏi người khác một cách chính đáng, bất kể người đó là ai, vì làm như thế là xâm phạm tới bản tính của chính họ".

- Phải bảo vệ các quyền con người không phải chỉ một cách riêng lẻ mà còn như một tổng thể, bảo vệ chỉ một phần các quyền này thôi sẽ là gián tiếp không nhìn nhận chúng. Các quyền ấy tương ứng với những đòi hỏi của phẩm giá con người, và trên hết, chúng gián tiếp thỏa mãn các nhu cầu căn bản của con người trong lĩnh vực vật chất lẫn tinh thần.

"Những quyền này đáp ứng cho mỗi giai đoạn của đời sống và cho mỗi tình huống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa. Gộp chung lại, chúng làm thành một tổng hợp thống nhất , rõ ràng là nhằm phát huy ích lợi của cá nhân lẫn xã hội về mọi mặt... Phát huy đầy đủ mỗi loại nhân quyền là cách bảo đảm cho mỗi một quyền được tôn trọng trọn vẹn. Phổ quát và không thể phân chia là những đặc tính riêng của các quyền con người: đó là "hai nguyên tắc vừa mang tính hướng dẫn vừa đòi hỏi các quyền ấy phải ăn sâu vào mỗi nền văn hóa, các quyền ấy phải có chổ đứng ngày càng vững vàng hơn trong pháp chế, có thế chúng mới bảo đảm được tuân thủ trọn vẹn".

....

Giáo huấn của Chân phúc Giáo hoàng Gioan XXIII của Cộng đồng Vatican II và của Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã cống hiến cho vô số chỉ đẫn để hiểu khái niệm nhân quyền như Huấn Quyền đã hiểu. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn lập một danh sách các quyền ấy trong Thông điệp Centesimus Annus: "quyền được sống, một phần không thể thiếu trong quyền ấy là quyền của đứa trẻ được lớn lên trong bụng mẹ ngay từ khi thụ thai; quyền được sống trong một gia đình hợp nhất và trong một môi trường luân lý giúp phát triển nhân cách của đứa trẻ; quyền được phát huy trí thông minh, được tự do tìm kiếm và hiểu biết sự thật; quyền được chia sẻ công ăn việc làm để sử dụng các nguồn lực vật chất của trái đất một cách khôn ngoan, và quyền được lấy từ việc lao động những phương thế để trợ giúp bản thân và những người lệ thuộc vào mình; và quyền được tự do lập gia đình, quyền có con và dạy dỗ con qua việc thực hiện hành vi tính dục một cách có trách nhiệm....

Trích "Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo" của Hội Đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình soạn thảo, Đức Hồng y Angelo Sodano, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh và Đức Hồng y Renato Raffaele Martino viết lời giới thiệu. Hồng y Renato Raffaele Martino là ngườ kế nhiệm Đức Hồng y Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận trong nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Bản dịch tiếng Việt của Ủy Ban Bác ái xã hội (thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam), Giấy phép số 134-2007/CXB/463-21 TG ngày 12/02/2007 NXB Tôn Giáo.


Tạ Phong Tần



_____________

Sách có bán ở đây: http://www.nhasachducme.com/home.php
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét